Bản tin Newsun

Vài nét về xây dựng văn hóa liêm chính doanh nghiệp

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp là giá trị tài sản tinh thần, thương hiệu, bản sắc được doanh nghiệp xây dựng, gìn giữ và phát huy trong hoạt động kinh doanh và quản trị các nguồn lực của mình, qua đó nâng cao giá trị của doanh nghiệp. Xây dựng liêm chính doanh nghiệp là cốt lõi trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, minh bạch, cạnh tranh công bằng, có được lợi ích bền vững trong quan hệ với đối tác kinh doanh và lớn mạnh trong hội nhập kinh tế thế giới.

Trong giai đoạn hiện nay, thể chế pháp luật chưa hoàn thiện, chưa minh bạch, nhiều bất cập trong thực thi pháp luật kinh doanh, “văn hóa phong bì”, sử dụng biện pháp không chính thức, làm ăn dựa trên quan hệ thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm…đang là những mối lo và rào cản hiện hữu trong việc xây dựng văn hóa liêm chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, xây dựng văn hóa liêm chính là công việc doanh nghiệp cần làm để phát triển, có thể bắt đầu hiệu quả từ việc những công việc cụ thể dưới đây:

Xây dựng văn hóa liêm chính trong đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng giao dịch:  Khi tham gia các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch có giá trị lớn, thời gian thực hiện dài, tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, thì nhà sản xuất hoặc nhà phân phối thường yêu cầu nhà cung ứng phải thực thi điều khoản “cam kết liêm chính”, coi đây là nội dung quan trọng để xét tuyển nhà cung ứng. Về thỏa thuận  chung thường là “nghiêm cấm các hành vi thu lợi bất chính thông qua nhân viên, người liên quan, người có quan hệ hoặc người được chỉ định của chính doanh nghiệp mình hoặc của doanh nghiệp đối tác dưới bất kỳ hình thức hối lộ nào, hoặc thu lợi bất chính từ hoạt động thường ngày”. Về nhân sự, người tham gia giao dịch của một bên tuyệt đối không được vì lợi ích của bản thân hoặc người khác mà lôi kéo nhân viên của đối tác nghỉ việc hoặc làm những việc trái với nghiệp vụ, trái với quy định của pháp luật. Về yêu cầu bảo mật, phải bảo mật toàn bộ thông tin, tài liệu có được trong giao dịch, như bí mật kinh doanh, quy cách, mẫu mã sản phẩm, bản vẽ, thiết kế, đơn đặt hàng, giá cả, thời gian và địa điểm giao hàng, danh sách khách hàng, cơ hội kinh doanh, dưới bất kỳ dạng tài liệu nào như file điện tử, email, bản giấy…, không được sử dụng thông tin bảo mật của khách hàng để cạnh tranh không lành mạnh. Về tính trung thực trong giao dịch, nhà cung ứng phải cam kết giá bán cho bên mua là ưu đãi nhất trên thị trường trong suốt thời hạn giao dịch, nếu bị bên mua phát hiện giá bán không phải là ưu đãi nhất, thì phải hoàn trả lại số tiền chênh lệch đã nhận, hoặc giao bù hàng tương ứng. Các bên tham gia giao dịch thường quy định cụ thể những trường hợp thu lợi bất chính, nếu vi phạm sẽ phải thông báo ngay cho đối tác và chịu chế tài phạt tiền và bồi thường thiệt hại cao. Đáp ứng được những nội dung liêm chính nêu trên, bắt đầu từ những giao dịch nhỏ, doanh nghiệp sẽ dần có cơ hội tham gia những giao dịch lớn, có tính chất toàn cầu.

Xây dựng văn hóa liêm chính trong nhận diện và phòng ngừa rủi ro đối với những tranh chấp thường gặp, như:Tranh chấp giữa các thành viên góp vốn hoặc giữa các cổ đông phát sinh ngay từ khi mới bắt đầu đăng ký thành lập doanh nghiệp, trong thực hiện góp vốn đúng tiến độ, đúng loại tài sản đã cam kết. Thỏa thuận góp vốn rõ ràng về quyền, nghĩa vụ là khởi đầu quan trọng trong xây dựng văn hóa liêm chính giữa các bên tham gia góp vốn. Tranh chấp đối với các hợp đồng, giao dịch phải được hội đồng thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên chấp thuận theo quy định của điều 67; hoặc phải được đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng quản trị công ty cổ phần chấp thuận theo quy định tại điều 162 Luật doanh nghiệp 2014. Tranh chấp về trách nhiệm của người quản lý trong công ty TNHH theo quy định tại điều 71 hoặc về trách nhiệm của người quản lý trong công ty cổ phần quy định trong Luật doanh nghiệp. Tranh chấp về quyền kiểm soát, quyền quản trị doanh nghiệp; tranh chấp giữa nhóm cổ đông nhỏ với cổ đông chiến lược, cổ đông lớn. Tranh chấp về chi phí hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tranh chấp đối với các giao dịch với các bên liên quan, về thẩm quyền ký kết hợp đồng…

Xây dựng văn hóa liêm chính trong quan hệ lao động, với những nội dung chủ yếu như: thiết lập quy tắc ứng xử nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hiệu quả, tin cậy, hài hòa và thành công, tuân thủ pháp luật về lao động, bảo hiểm, công đoàn, an toàn lao động. Lãnh đạo và người lao động trong doanh nghiệp hành động liêm chính với công việc, giao dịch được thực hiện, với đồng sự, với khách hàng, với người tiêu dùng, với xã hội, công khai các lợi ích liên quan, bảo vệ tài sản và quyền lợi của doanh nghiệp, bí mật của doanh nghiệp. Quy định về việc phát hiện và chế tài phòng ngừa, xử lý các hành vi không liêm chính. Cùng đồng lòng xây dựng, giữ gìn và phát huy thương hiệu, văn hóa liêm chính, văn hóa doanh nghiệp, giá trị doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa liêm chính trong quản trị doanh nghiệp của người quản lý trong việc định ra chiến lược và kế hoạch kinh doanh, ra các quyết định, đặc biệt là quyết định lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp, đấu thầu cạnh tranh đúng với chiến lược và chính sách đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, kiểm tra kiểm soát việc thực hiện hiệu quả các quyết định, vì lợi ích của doanh nghiệp. Kiểm soát nội bộ tốt đối với nguồn lực của doanh nghiệp, về đầu tư, tài chính, tiền và dòng tiền, kế toán, thuế, hóa đơn giá trị gia tăng, quỹ, chi phí và lợi nhuận càng cần được chú ý. Sự lãng phí, tham ô trong các vụ đại án là ví dụ điển hình và đau xót về thất bại trong xây dựng văn hóa liêm chính trong quản trị doanh nghiệp nhà nước trong thời gian vừa qua.

Nguồn: https://vanhoadoanhnghiepvn.vn/vai-net-ve-xay-dung-van-hoa-liem-chinh-doanh-nghiep/