Bản tin pháp luật

Thông điệp dữ liệu điện tử - nguồn chứng cứ của thời đại công nghệ 4.0

Nhân loại toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ở đó, phương thức giao dịch điện tử qua việc truyền gửi thông tin dưới hình thức thông điệp dữ liệu điện tử diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các giao kết dân sự và kinh tế giữa các tổ chức, cá nhân được xác lập và thực hiện bằng hình thức thông điệp dữ liệu trở nên rất thuận tiện và phổ biến.

Nhằm tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ pháp luật bắt kịp với xu hướng của thời đại, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua Bộ luật tố tụng Dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2015 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Tố tụng Dân sự) tại khoản 1 Điều 94, khoản 3 Điều 95 đã ghi nhận thông điện dữ liệu là một nguồn chứng cứ trong việc giải quyết tranh chấp về dân sự, lao động, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình. Trước đó, Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005 (sau đây gọi tắt là Luật Giao dịch điện tử) cũng quy định thông điện dữ liệu có giá trị làm chứng cứ. Do đó, việc vận dụng nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử trong tố tụng dân sự như thế nào là một hoạt động rất cần thiết góp phần đưa pháp luật vào thực tiễn. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết đề cập những nét khái quát trong việc xác định nguồn chứng cứ, những bất cập phát sinh và những lưu ý trong việc đảm bảo điều kiện xác định nguồn chứng cứ là thông điệp dữ liệu điện tử.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử (khoản 3 Điều 95). Theo đó, thông tin được truyền tải bởi các hình thức nêu trên được xác định là thông điện dữ liệu điện tử.

Theo quy định của Luật Giao dịch điện tử (khoản 2 Điều 14), thông điệp dữ liệu điện tử được xác định làm chứng cứ căn cứ vào các tiêu chí sau đây: một là, độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi thông điệp dữ liệu; hai là, cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu; ba là, cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.

Trên thực tế, khi xảy ra tranh chấp, một trong hai bên không thừa nhận thông điệp dữ liệu điện tử do họ khởi tạo và truyền gửi. Khi đó, việc thu thập các thông tin, tài liệu  xác định các tiêu chí nêu trên là rất cần thiết để có thể sử dụng nguồn chứng cứ này. Hoạt động này đơn giản hay phức tạp phụ thuộc vào việc lựa chọn hình thức trao đổi, truyền tải thông điệp dữ liệu được thể hiện bằng văn bản khi xác lập giao dịch. Do đó, khi xác lập giao dịch, các bên cần ghi nhận rõ ràng hình thức truyền gửi thông tin bằng hình thức thông điệp dữ liệu nào, địa chỉ cụ thể. Quá trình thực hiện giao dịch cần trú trọng việc lưu giữ nguyên vẹn các thông điệp dữ liệu điện tử đã trao đổi giữa hai bên, đảm bảo: một là, nội dung của thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết; hai là, nội dung của thông điệp dữ liệu đó được lưu trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác nội dung dữ liệu đó; ba là, thông điệp dữ liệu đó được lưu trữ theo một cách thức nhất định cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, ngày giờ gửi hoặc nhận thông điệp dữ liệu.

Quá trình giải quyết tranh chấp sẽ không tránh khỏi một bên không đủ căn cứ chứng minh thông điệp dữ liệu điện tử nhận được trong quá trình thực hiện giao dịch dân sự do bên kia khởi tạo và truyền gửi. Tuy nhiên, không vì thế mà thông điệp dữ liệu bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một thông điệp dữ liệu điện tử. Vì vậy, khi tham gia xác lập và thực hiện bất cứ giao dịch nào, các bên cần chú ý lựa chọn và ghi nhận sự lựa chọn của các bên (bằng văn bản) về hình thức trao đổi thông tin qua thông điệp dữ liệu điện tử (thư điện tử, điện tín, điện báo, fax…). Bên cạnh đó, các bên cần có giải pháp bảo mật và lưu giữ toàn bộ thông điệp dữ liệu điện tử nhằm đảm bảo căn cứ xác định người khởi tạo và giá trị chứng minh của thông điệp dữ liệu điện tử, tránh những bất lợi cho mình nếu có tranh chấp phát sinh.

Để được tư vấn chi tiết về vấn đề này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ MẶT TRỜI MỚI

Địa chỉ: Số 10 ngõ 35/37 phố Nguyễn An Ninh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội

Điện thoại: 024 3864 2041; Fax: 024 3662 8926

Email: vn.newsun@gmail.com

Luật sư Đặng Thị Nụ - 097 8822232