Bản tin pháp luật

Một số vấn đề về việc xin giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

I. VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI PHẢI XIN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Ngày 03/02/2016, Chính Phủ ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định này quy định các trường hợp lao động nước ngoài phải xin cấp Giấy phép lao động. Căn cứ điểm a khoản 4 Điều 3 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định, nhà quản lý là người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; Theo khoản 18 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: Người quản lý doanh nghiệp (hay nhà quản lý) là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.

Tuy nhiên, theo khoản 1, khoản 2 Điều 172 Bộ luật lao động 2012; khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.

Đối chiếu giữa quy định về người quản lý doanh nghiệp (hay nhà quản lý) tại Luật doanh nghiệp 2014 và quy định nói trên tại Bộ luật lao động 2012 và Nghị định số 11/2016/NĐ-CP có thể thấy giữa hai Bộ luật và Nghị định này có sự mâu thuẫn với nhau ở chỗ nhà quản lý vừa thuộc đối tượng phải xin cấp Giấy phép lao động, vừa thuộc đối tượng không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.

II. VẤN ĐỀ LAO ĐỘNG NƯỚC NGOÀI KHÔNG THUỘC DIỆN CẤP GIẤY PHÉP LAO ĐỘNG

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 172 Bộ luật lao động 2012; khoản 1, khoản 2 Điều 7 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần không thuộc diện cấp Giấy phép lao động.

Căn cứ Điều 8 Nghị định số 11/2016/NĐ-CP thì lao động nước ngoài không thuộc diện cấp Giấy phép lao động nói trên phải làm hồ sơ và nộp lên Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để xin xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 39 Luật đầu tư 2014, nội dung Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải ghi tên, địa chỉ của nhà đầu tư hay nói cách khác là ghi tên, địa chỉ của chủ sở hữu doanh nghiệp.

Hơn nữa, căn cứ khoản 3 Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 quy định như sau: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải ghi Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

Như vậy, theo khoản 2 Điều 39 Luật đầu tư 2014 và khoản 3 Điều 29 Luật doanh nghiệp 2014 thì Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã ghi rõ thông tin thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu của Công ty trách nhiệm hữu hạn, thành viên hội đồng quản trị của Công ty cổ phần, qua đó chứng minh một cá nhân không thuộc diện phải cấp Giấy phép lao động.

Từ những căn cứ nói trên có thể thấy rằng những đối tượng hiển nhiên không thuộc diện cấp Giấy phép lao động, đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng vẫn phải làm hồ sơ và thủ tục xác nhận tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, là sự chồng chéo trong quy định của pháp luật giữa các cơ quan đăng ký đầu tư, cơ quan đăng ký doanh nghiệp và cơ quan cấp giấy phép lao động. Quy định về thủ tục xác nhận đối tượng không thuộc diện xin giấy phép lao động là không cần thiết, gây lãng phí nguồn lực và thời gian doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước. Chính phủ với phương châm hành động kiến tạo và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp cần sớm xóa bỏ thủ tục xác nhận người nước ngoài không thuộc diện cấp giấp phép lao động.

Để được tư vấn chi tiết về vấn đề này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ MẶT TRỜI MỚI

      Địa chỉ: Số 10 ngõ 35/37 phố Nguyễn An Ninh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội

      Điện thoại: 024 3864 2041                             

      Fax: 024 3662 8926

      Email: vn.newsun@gmail.com

Chuyên viên tư vấn: Bùi Phương Nam (0949668800)