Bản tin pháp luật

Một số rủi ro và biện pháp phòng ngừa khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc

Hoạt động kinh doanh luôn chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với doanh nghiệp, rủi ro của bên này là lợi ích của bên kia, do đó mỗi bên luôn muốn sử dụng mọi biện pháp để tối đa hóa lợi ích của mình. Doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cần nhận diện và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả những rủi ro có thể xảy ra khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc.

Trung Quốc là nước láng giềng do vị trí địa lý liền kề, lại là nước lớn, thị trường lớn, trong giai đoạn hiện nay phía Trung Quốc đang tích cực triên khai chiến lược “Một Vành Đai Một Con Đường”, lãnh đạo Đảng và Chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện phát triển ổn định, lành mạnh, trên cơ sở đó quan hệ kinh tế song phương sẽ tăng trưởng nhanh, việc giao kết hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ thường xuyên diễn ra. Văn phòng Luật sư Mặt Trời Mới với kinh nghiệm trên 10 năm “chuyên nghiệp, chuyên sâu, chuyên tâm” cung cấp dịch vụ luật sư và hỗ trợ các giao kết kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Trung Quốc xin được chia sẻ với các doanh nghiệp Việt Nam về một số rủi ro và biện pháp phòng ngừa khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc.

 Rủi ro do khác biệt quan niệm về giá trị: Thường xảy ra việc nhìn nhận, đánh giá về giá trị khác nhau giữa doanh nghiệp hai bên, việc tiếp cận và giải quyết về cùng một vấn đề của hai bên có khác nhau. Doanh nghiệp Trung Quốc thường tìm hiểu thông tin và đánh giá mức độ tin cậy đối với đối tác Việt Nam thông qua người thân quen, người trung gian, người môi giới của họ, thường ít quan tâm đến hồ sơ năng lực của doanh nghiệp Việt Nam. Họ cũng hay thay đổi khi đàm phán, hay mặc cả về giá và phương thức thanh toán, yêu cầu về lợi nhuận cao, yêu cầu thu hồi vốn nhanh. Họ cũng không hay nói thẳng, nói trực tiếp vào vấn đề cốt lõi, lợi ích cốt lõi, mà thường “vòng vo tam quốc”. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm tìm hiểu “tiêu chuẩn” về giá trị của doanh nghiệp Trung Quốc trong việc đánh giá đối tác Việt Nam, đánh giá giao dịch để đàm phán và thực hiện hợp đồng hiệu quả. Tránh tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt” mất nhiều thời gian và tiền bạc của doanh nghiệp, khó đi đến thống nhất thỏa thuận giao dịch.

Rủi ro về việc thiếu hiểu biết đối tác, đây là rủi ro phổ biến và thường xuyên xảy ra, trong đó có các nội dung quan trọng mấu chốt như việc thành lập và tồn tại hợp pháp của doanh nghiệp Trung Quốc theo pháp luật nước sở tại, năng lực tài chính, thành ý và năng lực thực hiện giao dịch, mức độ tin cậy, người chủ đích thực của doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, khả năng cung cấp hàng hóa, khả năng giao hoặc nhận hàng theo đúng tiến độ...Cũng cần lưu ý, những năm gần đây các doanh nghiệp Trung Quốc thường dùng công ty off shore được thành lập tại Hồng Kong để giao dịch thương mại hoặc để đầu tư vào Việt Nam nhằm tránh sự quản lý chặt chẽ của Chính phủ Trung Quốc trong việc chuyển ngoại tệ từ Trung Quốc ra nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước họ, đồng thời để có thể được hưởng lợi về thuế khi giao dịch.

Vì vậy, trong quá trình đàm phán và giao kết hợp đồng với doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần xác định làm rõ về đối tác, trong đó có những nội dung quan trọng mấu chốt đã lưu ý trên đây, nhằm tránh thiệt hại và tranh chấp có thể xảy ra cho doanh nghiệp Việt Nam trong trường hợp giao kết hợp đồng với pháp nhân không rõ ràng, chủ thể ký kết không rõ ràng, hoặc giao kết người không đủ thẩm quyền của doanh nghiệp Trung Quốc, với doanh nghiệp Trung Quốc đã tạm ngừng kinh doanh, đang làm thủ tục giai thể, đã chuyển địa điểm trụ sở, hoặc họ không có năng lực tài chính để thực hiện nghĩa vụ thanh toán, không có năng lực cung cấp hàng hóa, thậm chí lừa đảo… Nên ghi đầy đủ và thực hiện các biện pháp kiểm tra sự xác thực thông tin cơ bản của đối tác Trung Quốc là chủ thể ký kết, như tên doanh nghiệp, mã số thuế, giấy phép/quyết định thành lập, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật, điện thoại, email, wechat… Nên hiểu rõ đặc điểm và xác định rõ chủ đích thực của các của các công ty off shore trong trường hợp có giao dịch với các công ty này. Doanh nghiệp Việt Nam nên tìm các biện pháp khau nhau để xác minh, thẩm tra về tư cách pháp nhân và thực lực tài chính của chủ thể doanh nghiệp định ký kết hợp đồng, như qua các tổ chức dịch vụ cung cấp thông tin tại Trung Quốc, Hong Kong, qua các tổ chức hiệp hội ngành nghề tại Trung Quốc, Hong Kong, coi trọng đối tác truyển thống, nên kiểm tra thực tế về pháp nhân, thực tế giao nhận hàng, nhất là khi có giao dịch loại hàng hóa đặc thù (thép phế liệu, hàng hóa có yêu cầu kiểm dịch, điều kiện nhập khẩu chuyên ngành tại Việt Nam hoặc tại nước nhập khẩu….), kiểm tra qua cổng thông tin điện tử về doanh nghiệp, qua cơ quan quản lý thuế của Trung Quốc, Hồng Kong, kiểm tra qua cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài…

Rủi ro trong việc thiết kế điều khoản và thiết lập nội dung hợp đồng: Mỗi loại hợp đồng có những lợi ích cốt lõi khác nhau. Lợi ích cốt lõi của hợp đồng thương mại là việc mua bán hàng đúng chủng loại, quy cách, chất lượng, bảo đảm thời gian giao hàng với giá cả và phương thức thanh toán hợp lý, cạnh tranh….Đây thường được gọi là điều khoản thương mại. Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại thường không chú ý đến việc thiết kế và thiết lập nội dung điều khoản pháp lý, như điều khoản cam đoan, điều khoản cam kết, điều kiện tiên quyết... Vài năm gần đây nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là doanh nghiệp Trung Quốc có các dự án đầu tư lớn tại Việt Nam khi ký hợp đồng với các nhà cung cấp linh kiện hoặc công ty vệ tinh của họ tại Việt Nam, thường yêu cầu buộc phải có “Điều khoản liêm chính” trong hợp đồng, mức phạt và mức bồi thường rất cao, coi đây là điều kiện tiên quyết để giao dịch, nhằm có được giá và điều kiện giao dịch tốt nhất, bảo vệ bí mật kinh doanh, ngăn ngừa thu lợi bất chính của cấp quản lý và nhân viên liên quan việc đàm phán, ký kết và thực hiện hợp đồng, phòng chống hối lộ bằng mọi hình thức, khuyến khích tố giác sai phạm và là căn cứ xử lý vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng. Nên lưu ý về dòng tiền trong điều khoản thanh toán, xác định rõ thủ tục và thời gian của doanh nghiệp Trung Quốc khi chuyển ngoại tệ ra nước ngoài đầu tư trong trường hợp giao kết hợp đồng mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam. Cũng nên lưu ý nghĩa vụ thuế nhà thầu nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc phải nộp theo pháp luật Việt Nam trong trường hợp đồng nhập khẩu quy định phương thức giao hàng door to door, hoặc chi phí lắp đặt, bảo hành, bảo trì…do bên bán chịu.

Rủi ro về kiểm soát thẩm quyền thông qua giao dịch, hợp đồng: Đã từng xảy ra nhiều trường hợp thành viên hoặc cổ đông có tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ thấp không chú ý hoặc không kiểm soát được thẩm quyền thông qua giao dịch phải được Hội đồng thành viên hoặc Hội đồng quản trị hoặc Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, nên người quản lý do thành viên hoặc cổ đông khác đề cử đã ký các hợp đồng mua bán hàng hóa nhưng bên mua cũng chính là thành viên hoặc cổ đông khác đó không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, qua đó thu hồi hết số vốn đã góp bất hợp pháp và chiếm đoạt tiền bán hàng là vốn vay ngân hàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp họ đã góp vốn đầu tư. Vì vậy, thành viên hoặc cổ đông tự mình cần tăng cường việc kiểm soát thẩm quyền thông qua giao dịch hợp đồng, thường xuyên kiểm tra buộc bên liên quan phải thực hiện đúng trình tự chấp thuận đối với giao dịch, hợp đồng phải được chấp thuận. Doanh nghiệp cũng nên xây dựng cơ chế thực hiện việc kiểm soát thẩm quyền thông qua giao dịch hợp đồng với bên liên quan.

Rủi ro về điều khoản luật áp dụng và phương thức giải quyết tranh chấp: Thường xuyên xảy ra tình trạng việc giao kết hợp đồng mua bán với nội dung rất sơ sài, đơn giản, không có điều khoản hoặc nếu có thì quy định không rõ luật áp dụng khi tranh chấp phát sinh, không quy định phương thức giải quyết trọng tài hay tòa án khi phát sinh tranh chấp, hoặc quy định chung là khi phát sinh tranh chấp thì giải quyết tại tòa án hoặc trọng tài. Vì vậy, doanh nhgiệp Việt Nam khi giao kết hợp đồng nên dự liệu về thời gian, kinh phí và năng lực tham gia giải quyết tranh chấp đối với quy định về luật áp dụng và phương thức giải quyết tranh chấp quy định trong hợp đồng.

Rủi ro do không chú ý đến hình thức hợp đồng, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, ngoài việc giao kết hợp đồng bằng văn bản, hợp đồng còn được giao kết bằng dữ liệu điện tử…rất thuận tiện và nhanh chóng. Tuy nhiên, có thể xảy ra khó khăn khi công chứng, chứng thực, phiên dịch các dữ liệu điện tử này. Vì vậy, các doanh nghiệp nên giao kết hợp đồng bằng văn bản, đồng thời tuân thủ quy định pháp luật về hình thức hợp đồng đối với loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký. Trường hợp giao kết hợp đồng bằng phương tiện điện tử, thiết lập dữ liệu điện tử thì nên có đầy đủ thiết bị, địa chỉ để sẵn sàng khai thác/trích xuất được tất cả các dữ liệu trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng.

Cuối cùng, Luật sư mong rằng những chia sẻ trên đây sẽ góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam có được nhiều hơn nữa những giao dịch thuận lợi, hiệu quả với doanh nghiệp Trung Quốc.