Tin tức mới nhất

MỘT SỐ KINH NGHIỆM CỦA ĐÀI LOAN VỀ VIỆC HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA - HỘI NHẬP KINH TẾ THẾ GIỚI

Sau thế chiến thứ hai, nền kinh tế Đài Loan đã hóa rồng chỉ trong vòng mấy chục năm. Năm 1950 thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan là 50 USD, nhưng hiện nay GDP tính theo sức mua thực tế khoảng 1.117 tỷ USD bình quân 49.00 USD một người, GDP trên danh nghĩa 566.757 tỷ USD bình quân 24.000 USD một người. Do nhu cầu tự thân trong phát triển kinh tế, vùng lãnh thổ Đài Loan đã thực hiện tiến trình hội nhập kinh tế thế giới tương đối sớm, là thành viên của APEC từ năm 1991, là thành viên tổ chức thương mại thế giới từ năm 2002. Trong nhiều năm qua, Đài Loan đã tích cực đàm phán và tạo dựng các điều kiện để tham gia ký kết các hiệp định hợp tác kinh tế thương mại song phương và đa phương, thực thi tự do hóa kinh tế toàn diện, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế. Kỳ tích kinh tế và kết quả hội nhập kinh tế thế giới mà Đài Loan có được không tách rời với sự phát triển DNNVV của Đài Loan. Theo sách trắng về DNNVV Đài Loan xuất bản năm 2017, trong năm 2016 về số lượng có 1.408.313 DNNVV chiếm 97,73% tổng số doanh nghiệp Đài Loan, tăng 1,76% so với năm 2015; Tạo cơ hội việc làm cho 8.810.000 người, chiếm 78,19% cơ hội việc làm của toàn vùng lãnh thổ, tăng 0,57% so với năm 2015, đều là mức tăng kỷ lục trong những năm gần đây. Doanh thu về hàng hóa và dịch vụ của DNNVV là 11.076,47 tỷ Đài tệ. Cũng chính từ khả năng thích ứng linh hoạt tuyệt vời của các DNNVV chiếm tuyệt đại đa số trong tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế Đài Loan đối với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường quốc tế đầy biến động trong tiến trình hội nhập, mà vùng lãnh thổ này đã vượt qua sự ảnh hưởng với mức độ thấp nhất từ hai cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 1997 và năm 2008. Hơn thế nữa, theo Báo cáo cạnh tranh toàn cầu năm 2016-2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới thì Đài Loan được xếp hạng thứ 14 trong 138 quốc gia và nền kinh tế được đánh giá xếp hạng, tăng một bậc so với báo cáo năm 2015-2016. Dưới đây là một số kinh nghiệm của Đài Loan về việc hỗ trợ DNNVV hội nhập kinh tế thế giới xin được chia sẻ cùng bạn đọc:

Về chính sách hỗ trợ và phát triển DNNVV của chính phủ Đài Loan: DNNVV do nguồn lực tự thân không đủ nên thường yếu thế trong quá trình cạnh tranh và tiến trình hội nhập, sự hỗ trợ từ chính phủ, trước hết trên phương diện xây dựng và thực thi chính sách hỗ trợ DNNVV là hết sức cần thiết. Bộ quy tắc về phát triển DNNVV do Viện lập pháp (quốc hội) Đài Loan thông qua lần đầu ngày 2/4/1991, đã qua 7 lần sửa đổi bổ sung lần lượt vào các năm 1997, 1998, 2000, 2001, 2003, 2009, 2014, có thể nhìn nhận là hòn đá tảng về chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV trong tiến trình hội nhập. Mục tiêu của Bộ quy tắc này nhằm giúp DNNVV cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ DNNVV tự thân tăng trưởng, xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, tự do phát triển cho doanh nghiệp, nhằm loại bỏ những ảnh hưởng bất lợi cho DNNVV về nhân lực, tài chính, vật lực và thông tin… qua đó thúc đẩy DNNVV phát triển ổn định lành mạnh. Đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc này là các DNNVV Đài Loan có đăng ký kinh doanh đáp ứng hai tiêu chí, với ngành chế tạo, xây dựng, khai thác khoáng sản là doanh nghiệp có số vốn thực góp dưới 80 triệu Đài tệ, hoặc có số lao động thường xuyên làm việc dưới 200 người, với các ngành nghề khác là doanh nghiệp có doanh số hàng hóa và dịch vụ bán ra của năm trước liền kề dưới 100 triệu Đài tệ hoặc có số lao động thường xuyên làm việc dưới 100 người. Cơ quan chủ quản thực thi Bộ quy tắc này ở trung ương là Bộ Kinh tế, cụ thể là Vụ DNNVV, ở địa phương là chính quyền cấp huyện, thành phố. Hệ thống các cơ quan này tùy theo chức năng nhiệm vụ của mình phải bố trí bộ phận chuyên trách hoặc chỉ định tổ chức hỗ trợ DNNVV. Theo đó, các cơ quan này phải đưa ra các giải pháp hỗ trợ DNNVV trên các phương diện sau:

  • Hỗ trợ DNNVV điều tra và phát triển thị trường, nhất là thị trường quốc tế, bao gồm cung cấp dịch vụ thông tin cho DNNVV, hỗ trợ DNNVV tự xây dựng thương hiệu, xây dựng kênh phân phối, hướng dẫn và hỗ trợ DNNVV phát triển thị trường trong đó có phát triển thị trường quốc tế.
  • Hỗ trợ DNNVV xúc tiến hợp lý hóa kinh doanh, bao gồm hỗ trợ nghiên cứu phát triển công nghệ và sản phẩm mới, đổi mới thiết bị, cải tiến công nghệ sản xuất, cải tiến phương pháp quản lý kinh doanh, phát triển thị trường và cung cấp thông tin thị trường, chuyển đổi và điều chỉnh ngành nghề lĩnh vực kinh doanh, cung cấp giải pháp kinh doanh và công nghệ cho DNNVV.
  • Hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa các DNNVV, bao gồm việc xây dựng và mở rộng hợp tác theo ngành dọc, giữa doanh nghiệp trung tâm với doanh nghiệp vệ tinh; xây dựng và mở rộng hợp tác về trình độ phát triển, liên kết sản xuất và phân phối; thúc đẩy hỗ trợ vốn và hợp tác trong cùng ngành nghề lĩnh vực kinh doanh; hợp tác về công nghệ và phát triển công nghệ chung; mua chung thiết bị; xây dựng trung tâm phân phối.
  • Hỗ trợ cung cấp và duy trì giải pháp về sản xuất và công nghệ, bao gồm hình thành và tích lũy vốn; tiếp cận nguồn vốn; tiếp cận đất, nhà xưởng, thiết bị và địa điểm kinh doanh; đào tạo nhân lực và nâng cao hiệu quả sức lao động; bảo đảm về nguyên liệu và công nghệ; hỗ trợ DNNVV tiếp cận thị trường vốn, vay vốn; nâng cao trình độ công nghệ, dịch vụ.
  • Các cơ quan công quyền trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật, có trách nhiệm thực thi chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV, không được phân biệt đối xử với DNNVV về tín dụng, thuế và các phương diện khác có liên quan.
  • Bộ kinh tế có kế hoạch chủ động hỗ trợ DNNVV tiếp cận nguồn vốn vay, hàng năm có tờ trình về kết quả thực hiện lên Viện lập pháp. Hàng năm phải công bố sách trắng về các nguồn lực đã áp dụng cho DNNVV. Qua đó điều chỉnh, bổ sung giải pháp hỗ trợ thích hợp trong từng thời kỳ.
  • Các ngân hàng thương mại của Đài Loan phải thiết lập trung tâm hỗ trợ DNNVV, tăng cường cung cấp dịch vụ và nâng cao tỷ lệ cho vay cho các DNNVV.

Về vai trò của Hiệp hội phát triển thương mại Đài Loan (TAITRA): Đây là tổ chức xúc tiến thương mại quốc tế quan trọng, thành lập bởi sự kết hợp giữa Bộ kinh tế và các tổ chức hiệp hội thương mại và công nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường thương mại quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế. TAITRA có trên 1.300 nhân viên chuyên nghiệp các cấp, ngoài trụ sở chính ở Taipei, 5 văn phòng ở thành phố Đào Viên, Tân Trúc, Đài Trung, Đài Nam và Cao Hùng, còn có 60 văn phòng đại diện ở các nước trên thế giới, trong đó có văn phòng TAITRA tại thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động hạt nhân của TAITRA là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường toàn cầu, nâng cao hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm Đài Loan, thúc đẩy thương mại dịch vụ, cung cấp dịch vụ điều tra nghiên cứu thị trường và thông tin về thị trường, tăng cường thương mại kỹ thuật số và thương mại điện tử, tận dụng cơ hội kinh doanh từ nguồn dữ liệu, đào tạo nhân lực doanh nghiệp quốc tế, tổ chức hoặc tham gia các cuộc triễn lãm quốc tế, vận hành trung tâm triển lãm và trung tâm hội nghị tại thành phố Taipei. TAITRA tại thành phố Hồ Chí Minh được thành lập từ năm 1992 đến nay đã tham gia hàng trăm cuộc triển lãm giới thiệu sản phẩm và công nghệ Đài Loan tại Việt Nam, hỗ trợ hàng trăm nghìn lượt thương gia Đài Loan tiếp xúc tìm cơ hội đầu tư thương mại với doanh nghiệp Việt Nam, là cầu nối hiệu quả trong việc xúc tiến đầu tư Đài Loan vào Việt Nam, thúc đẩy quan hệ thương mại song phương Đài Loan – Việt Nam. Các DNNVV Việt Nam có thể tiếp cận và khai thác thông tin về hoạt động tổ chức triển lãm và nhu cầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp Đài Loan qua website: http://www.taitra.org.tw của TAITRA.

Về Quỹ hỗ trợ phát triển DNNVV Đài Loan: Mục tiêu thành lập của quỹ nhằm có kinh phí cần thiết cho các kế hoạch hỗ trợ DNNVV như cung cấp vốn vay, cung cấp bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các dự án vay vốn của DNNVV, hỗ trợ DNNVV tái cơ cấu, chuyển đổi ngành nghề; đầu tư phát triển, phối hợp với tổ chức tín dụng hoặc tổ chức đấu tư đã được chấp nhận cùng đầu tư vào DNNVV; tài trợ cho các cơ quan chủ quản khi thực thi các giải pháp hỗ trợ và ưu đãi áp dụng cho DNNVV.

Về sự liên kết cộng đồng của DNNVV trong hội nhập kinh tế quốc tế: Nổi bật nhất là sự liên kết thông qua Hiệp hội DNNVV Đài Loan. Đây là tổ chức duy nhất đại diện cho DNNVV trên toàn vùng lãnh thổ này với 58 phân hội. Hiệp hội này đã thiết lập quan hệ liên kết với 130 tổ chức đoàn thể kinh tế thương mại các nước, có quan hệ thân thiết với Tổng hội thương gia Đài Loan thế giới, Tổng hội thương gia Đài Loan khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Á và Tổng hội thương gia Đài Loan đầu tư kinh doanh ở nhiều nước trên thế giới, giúp cho DNNVV Đài Loan được hưởng lợi từ sự liên kết này trong tiến trình thâm nhập thị trường các nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Về sự chuyên sâu của DNNVV Đài Loan trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế: Câu nói cửa miệng của thương gia Đài Loan là “làm khác nghề như cách sông cách núi”, vì vậy DNNVV Đài Loan chỉ đầu tư kinh doanh những gì thuộc về chuyên môn, sở trường của họ, hầu như không có doanh nghiệp Đài Loan đầu tư kinh doanh đa ngành đa lĩnh vực. Doanh nghiệp đầu tư kinh doanh chuyên sâu, cộng với sự hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao công nghệ rất hiệu quả từ các viện nghiên cứu công nghệ theo chỉ định của chính phủ, các DNNVV Đài Loan từ chỗ chỉ là bên gia công thuê (Original Equipment Manufacturing - OEM) đã lớn mạnh trở thành doanh nghiệp thiết kế sản xuất (Original Design Manufaturing - OIM), hoặc có thương hiệu riêng nổi tiếng thế giới (Original Brand Manufacturers – OBM), nắm giữ công nghệ chủ chốt hoặc sản phẩm chủ chốt của chuỗi sản xuất toàn cầu, như phần lớn linh kiện ô tô là do Đài Loan sản xuất cung cấp hoặc sự phát triển ngành linh kiện điện tử, ngành ốc vít, ngành xe đạp Đài Loan là các ví dụ tiêu biểu về tính chuyên nghiệp, chuyên sâu của DNNVV Đài Loan trong hội nhập kinh tế thế giới.

Luật sư Bùi Văn Thành

Trường Văn phòng

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ MẶT TRỜI MỚI

      Địa chỉ: Số 10 ngõ 35/37 đường Nguyễn An Ninh,

P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội

      Điện thoại: 024 3864 2041/091352 8877

      Fax: 024 3662 8926

      Email: vn.newsun@gmail.com

LineID: newsunlaw