Module

Một số điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019

Điểm tin pháp luật

Một số điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019.

Bộ luật lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Theo đó, một số nội dung mới đáng chú ý trong Bộ luật này là:

1. Hợp đồng lao động (HĐLĐ)

Điều 13 về hợp đồng lao động quy định: HĐLĐ là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thoả thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi HĐLĐ.

Như vậy, nếu bản chất các loại hợp đồng kiểu hợp đồng dịch vụ, hợp đồng chuyên gia…là xác lập quan hệ lao động thì là HĐLĐ theo BLLĐ 2019

+ Về hình thức của HĐLĐ

Theo Điều 14, BLLĐ 2019 thì hình thức HĐLĐ sẽ bao gồm: (1) Hợp đồng bằng văn bản; hoặc (2) Hợp đồng bằng lời nói đối với HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp uỷ quyền ký cho nhiều người, người dưới 15 tuổi và giúp việc; hoặc (3) Hợp đồng thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu có giá trị như HĐLĐ bằng văn bản.

+ Về loại HĐLĐ

Theo Điều 20, BLLĐ 2019 thì HĐLĐ chỉ gồm hai loại hợp đồng. Đó là HĐLĐ không xác định thời hạn; và HĐLĐ xác định thời hạn (không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng). Không còn loại hợp đồng theo mùa vụ như BLLĐ 2012.

Thêm vào đó, BLLĐ 2019 quy định chi tiết cụ thể đối với một số đối tượng có thể giao kết HĐLĐ xác định thời hạn nhiều lần như: Người lao động cao tuổi (Điều 149); NLĐ nước ngoài làm việc tài Việt Nam (Điều 151); NLĐ là thành viên ban lãnh đạo của tố chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà HĐLĐ hết hạn (Điều 177); Người được thuê làm giám đốc trong doanh nghiệp có vốn nhà nước;

+ Về phụ lục HĐLĐ

Theo quy định của BLLĐ 2012, Phụ lục HĐLĐ quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của HĐLĐ. Thời hạn HĐLĐ chỉ được sửa đổi bằng phụ lục HĐLĐ và không được làm thay đổi loại hợp đồng đã giao kết, trừ trường hợp kéo dài thời hạn HĐLĐ với người lao động cao tuổi và người lao động là cán bộ công đoàn không chuyên trách.

Điều 22 BLLĐ 2019 chỉ ngắn gọn quy định rằng Phụ lục HĐLĐ chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của HĐLĐ nhưng không được sửa đổi thời hạn của HĐLĐ.

+ Về các căn cứ chấm dứt HĐLĐ

So với BLLĐ 2012 thì BLLĐ 2019 đã có những sửa đổi bổ sung cho các căn cứ chấm dứt HĐLĐ. Cụ thể, đối với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì căn cứ chấm dứt HĐLĐ là: “Người sử dụng lao động là cá nhân chết; bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật”. Đối với người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì căn cứ chấm dứt HĐLĐ là: “Người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam bị trục xuất theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Giấy phép lao động hết hiệu lực đối với người lao động là người nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo quy định tại Điều 156 của Bộ luật này.”. Đối với trường hợp thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động thì căn cứ chấm dứt hợp đồng đó là việc thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc.

+ Về đơn phương chấm dứt HĐLĐ

Trước đây theo Điều 37 BLLĐ 2012 thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng trong những trường hợp cụ thể. Nay theo khoản 1 Điều 35 BLLĐ 2019 thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần báo trước trong trường hợp người lao động làm làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn (ít nhất 45 ngày làm việc); hoặc làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng (ít nhất 30 ngày làm việc);  hoặc làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng (ít nhất 3 ngày làm việc); đối với những công việc thuộc ngành nghề, công việc đặc thù được quy định theo nghị định Chính phủ thì sẽ theo quy định của chính phủ.

Đối với người sử dụng lao động, BLLĐ 2019 quy định thêm đối với quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp: (1) người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên; (2) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu; (3) người lao động cung cấp không trung thực thông tin liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ.

Người sử dụng lao động có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong 02 trường hợp: (1) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn; (2) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên.

2. Thử việc

Theo quy định trước đây, thời gian thử việc chia là ba mức:

Một là: Không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên;

Hai là: Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ.

Ba là: Không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.

Nay, BLLĐ 2019  bổ sung quy định thời gian thử việc đối với người quản lý doanh nghiệp có thể lên đến 180 ngày.

Theo quy định trước đây, người lao động sẽ không áp dụng thời gian thử việc trong trường hợp HĐLĐ là hợp đồng mùa vụ. Nay BLLĐ 2019 quy định người lao động có HĐLĐ có thời hạn dưới 01 tháng thì không áp dụng thời gian thử việc. Thử việc đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động tiếp tục thực hiện HĐLĐ đã giao kết có thoả thuận thử việc hoặc phải giao kết HĐLĐ.

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ hợp đồng thử việc hoặc HĐLĐ đã giao kết mà không cần chứng minh không đạt yêu cầu.

4. Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi

Nhà nưc khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động. Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;

Đối với ngày nghỉ Quốc khánh thì người lao động được nghỉ 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau), trước đây người lao động chỉ được nghỉ 01 ngày.

5. Tiền lương

Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào quy định tiền lương của người sử dụng lao động; Không yêu cầu phải gửi thang lương, bảng lương định mức lao động tới Phòng LĐ-TBXH cấp huyện nơi đặt cơ sở sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động.

+ Về hình thức trả lương: Sau thời điểm BLLĐ 2019 có hiệu lực thì trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng thì người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương. Trước đây các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản các bên phải thỏa thuận với nhau.

+ Về tạm ứng tiền lương khi nghỉ hàng năm:Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Bên cạnh đó, việc trả lương về nguyên tắc người sử dụng lao động sẽ trả trực tiếp cho người lao động; hoặc có thể trả lương cho người được người lao động uỷ quyền hợp pháp trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp.

6. Kỷ luật lao động

+ Về căn cứ sa thải người lao động: BLLĐ 2019 bổ sung căn cứ sa thải người lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có thể áp dụng hình thức sa thải người lao động trong trường hợp người lao động có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động.

+ Về Đăng ký nội quy lao động: Người sử dụng lao động có thể đăng ký nội quy lao động tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh; hoặc tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp huyện được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh uỷ quyền.

+ Về Quy định cấm khi xử lý kỷ luật lao động:  Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động sẽ bao gồm: (1) Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; (2) Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; (3) Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

7. Lao động nước ngoài tại Việt Nam.

Người nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải xin giấy phép lao động. Thời hạn của giấy phép lao động của người lao động nước ngoài tối đa là 02 năm. Trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 02 năm.

Người lao động nước ngoài kết hôn với người Việt Nam và sinh sống tại việt Nam thì được miễn giấy phép lao động.

8. Giải quyết tranh chấp lao động

Việc giải quyết tranh chấp lao động không bắt buộc phải thương lượng trước khi yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động

新太陽律師事務所裴文誠律師

Tel: 84-24-38642041; Handphone: 84-91352 8877

Email: vn.newsun@gmail.com 微信IDLineID: newsunlaw