Bản tin Newsun

Công ty CP Sản xuất XNK NHP từng bị tố bất tín bao nhiêu lần?

Cách đây khoảng hơn 1 năm, cộng đồng doanh nghiệp và giới doanh nhân đã “dậy sóng” khi người quản lý của Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP đã bị tố “chây ỳ” trả nợ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã đăng tải bài: “Người quản lý của Công ty CP Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP bị khách hàng coi là “bất tín”, phản ánh Công ty Sản xuất Xuất nhập khẩu NHP (công ty NHP), trụ sở tại thôn Điếm Tống, xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội do Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ và ngân hàng là Chủ tịch HĐQT, đã bị khách hàng tố “bất tín” do đột ngột ngừng giao hàng nhưng không có lý do chính đáng sau khi đã nhận hơn 1,1 triệu USD tiền tạm ứng theo hai hợp đồng có giá trị trên 1,3 triệu USD đã ký kết với đối tác nước ngoài là Công ty M có trụ sở tại Hongkong. Sau đó, lại tiếp tục “bất tín” khi không thực hiện cam kết hoàn trả 100 triệu VNĐ theo từng quý và phớt lờ các văn bản yêu cầu trả tiền của Công ty M.

Công ty M không phải là đơn vị duy nhất bị người quản lý Công ty NHP áp dụng chiêu trò hứa hoàn trả tiền xong lại “nuốt lời hứa”. Thông tin mà chúng tôi có được, vào thời điểm tháng 8/2017, khi ký Hợp đồng mua bán số 06 với Công ty M, thì Công ty NHP đang “sa lầy” khi chưa trả được nợ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với tổng số nợ trên 14,8 tỷ đồng và bị Vietcombank xếp vào nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý). Tháng 11/2017, khi ký Hợp đồng số 07 với Công ty M, thì khoản vay này đã bị tụt hạng thành nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) do hứa nhiều lần nhưng không trả nợ theo lời hứa. Cụ thể, ngày 12/1/2018 Công ty NHP có công văn 05/CV về kế hoạch trả nợ gốc cho Vietcombank, đồng ý trả nợ của năm 2018 là 200.000.000 đồng/tháng, năm 2019 trả 300.000.000 đồng/tháng. Nhưng ngày 9/2/2018, Công ty NHP có công văn 06/CV thay đổi kế hoạch trả nợ, tháng 2/2018 trả nợ 100.000.000 đồng, từ tháng 3/2018 đến 12/2018 trả 200.000.000 đồng/tháng, năm 2019 trả 400.000.000 đồng/tháng, năm 2020 trả hết nợ cho Vietcombank. Tuy nhiên, thực tế đến ngày 3/7/2018 Công ty NHP chỉ mới trả được 150.000.000 đồng. Liên tiếp đưa ra văn bản cam kết và lộ trình trả nợ nhưng sau đó tìm mọi lý do khất lần việc trả nợ, buộc Vietcombank phải đưa vụ việc ra Tòa án để giải quyết. Tất nhiên, qua quá trình thụ lý xét xử, Công ty NHP đã bị “bóc trần” chiêu trò “bội tín” của mình là cố tình không hợp tác, không thực hiện nghĩa vụ trả nợ gây khó khăn cho đối tác.

Cũng vào thời điểm đang thực hiện Hợp đồng 06 và 07 với Công ty M, Công ty TNHH MTV 76 có trụ sở tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội (Công ty 76) là đơn vị cung cấp bao dệt PP và một số sản phẩm khác với số tiền trên 6 tỷ đồng cho Công ty NHP. Tuy nhiên, Công ty 76 cũng bị rơi vào tình cảnh đã giao vật tư, hàng hóa nhưng không nhận lại được tiền, chẳng khác nào “thả gà ra đuổi” do Công ty NHP cam kết thì nhiều, nhưng nợ thì không trả. Nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc để phản ánh về vụ việc này.

Những thông tin nêu trên cho thấy, Công ty NHP  đang “nợ như chúa Chổm”, liên tục vi phạm nghĩa vụ trả nợ cho nhiều khách hàng, nhưng Báo cáo tài chính Quý I năm 2019 đăng tải trên website nhpvietnam.com nêu Công ty NHP đang đầu tư vào các công ty liên doanh, liên kết với tổng số tiền là 124 tỷ đồng, vào các đơn vị khác với tổng số tiền là trên 48 tỷ đồng. Với những báo cáo và thông tin “hoành tráng” cùng với sự nổi tiếng của ông Lê Xuân Nghĩa, liệu có cá nhân, tổ chức nào tiếp theo sẽ tiếp tục rơi vào kịch bản như Công ty M, Công ty 76 hay Vietcombank?

Để có thông tin đa chiều về vụ việc bị Công ty M. tố bất tín trong việc không thực hiện trả nợ, phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập đã liên hệ qua điện thoại với ông Lê Xuân Nghĩa đề nghị cung cấp thông tin, ông Lê Xuân Nghĩa đã hẹn lịch làm việc, nhưng sau đó trợ lý của ông Nghĩa tên là Thắng đã thông báo ông Nghĩa không gặp trực tiếp phóng viên được vì lý do sức khỏe và cử trợ lý làm việc với phóng viên vào ngày 3/6/2019. Đến lịch đã hẹn vẫn không thấy viên trợ lý tên Thắng đến làm việc, phóng viên liên lạc thì người này trả lời “bận việc đột xuất” không đến làm việc được và cho rằng đây chỉ là vụ việc dân sự. Thái độ này của người quản lý của Công ty NHP đã chứng minh, không chỉ “bội tín” trong quan hệ làm ăn, mà còn “thất tín” trong việc hứa hẹn làm việc để cung cấp thông tin với báo chí về những sự việc liên quan đến chính uy tín Công ty mình. Chính sự “thất tín” này, đã làm mờ dần uy tín của NHP, thái độ của người quản lý Công ty NHP làm cho phóng viên chợt nhớ câu nói của tiền nhân (Publilius Syrus- nhà văn La Mã thế kỷ 1 TCN) “còn lại gì nếu danh dự đã mất”.

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập sẽ tiếp tục đăng tải thông tin diễn biến vụ việc liên quan đến Công ty NHP.

Theo thông tin đăng tải trên báo Thanh Niên ngày 28/6/2019, Cổ phiếu NHP của Công ty NHP bị hạn chế giao dịch từ ngày 25/6. Công ty NHP đã có khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 10,5 tỉ đồng và lỗ lũy kế đến cuối năm 2018 hơn 74,3 tỉ đồng. Riêng trong năm 2018, bị thua lỗ hơn 73 tỉ đồng do từ quý 3/2018, công ty gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phát sinh các khoản công nợ khó đòi, nợ quá hạn phải thanh toán … Do đó công ty kiểm toán bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Cổ phiếu NHP đã bị đưa vào diện cảnh báo từ tháng 9.2018 và việc bị thua lỗ 2 năm 2017-2018 liên tục khiến cổ phiếu bị đưa vào diện kiểm soát.

Nguồn: http://doanhnghiephoinhap.vn/bai-2-cong-ty-cp-san-xuat-xnk-nhp-tung-bi-to-bat-tin-bao-nhieu-lan.html