Bản tin pháp luật

Một số vấn đề pháp lý khi đăng ký khoản vay nước ngoài (I)

Ngày 26 tháng 02 năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) đã ban hành Thông tư số 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ vay nước ngoài của doanh nghiệp (“Thông tư 03”). Sau đó, ngày 15 tháng 04 năm 2016, NHNN đã tiếp tục ban hành Thông tư 05/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 03. Hai Thông tư này quy định cụ thể về thủ tục đăng ký, đăng ký thay đổi khoản vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh (“Khoản Vay Nước Ngoài”); việc mở và sử dụng tài khoản vay, trả nợ nước ngoài tại tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam; việc rút vốn, trả nợ và chuyển tiền khác liên quan đến thực hiện các Khoản Vay Nước Ngoài; và một số vấn đề khác có liên quan.

Theo đó, Khoản Vay Nước Ngoài là khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là khoản vay tự vay tự trả) và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của Bên đi vay. Theo Luật quản lý nợ công 2009, vay nước ngoài là khoản vay ngắn hạn, trung - dài hạn phải trả lãi hoặc không phải trả lãi do Nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức khác của Việt Nam vay của chính phủ nước ngoài, vùng lãnh thổ, tổ chức tài chính quốc tế, tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Ở bài viết này, New Sun xin trao đổi một số vấn đề pháp lý của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đăng ký khoản vay nước ngoài với NHNN.

  1. Thẩm quyền đăng ký khoản vay nước ngoài

Căn cứ vào mức kim ngạch vay của khoản vay, Điều 18 Thông tư 03/2016/TT-NHNN phân định thẩm quyền đăng ký khoản vay nước ngoài của Ngân hàng nhà nước, cụ thể như sau:

Trường hợp doanh nghiệp có khoản vay nước ngoài có kim ngạch vay trên 10 triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) hoặc các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam thì Bên đi vay phải thực hiện đăng ký khoản vay đó với Ngân hàng nhà nước trung ương (Vụ quản lý ngoại hối). Trong đó, theo Khoản 5 Điều 3 Thông tư 03/2016/TT-NHNN hướng dẫn các khoản vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam là khoản vay nước ngoài được giải ngân bằng đồng Việt Nam hoặc nghĩa vụ nợ của Khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam.

Còn trường hợp khoản vay nước ngoài có kim ngạch vay đến 10 triệu USD (hoặc loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương) thì Bên đi vay thực hiện đăng ký khoản vay đó với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp (Bên đi vay) đặt trụ sở chính.

2. Một khoản vay nước ngoài có thể đăng ký thành nhiều hợp đồng vay

Pháp luật về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không có quy định cụ thể về trường hợp bên đi vay có được phép đăng ký nhiều hợp đồng vay đối với khoản vay nước ngoài (tổng giá trị các hợp đồng vay bằng khoản vay nước ngoài đăng ký). Tuy nhiên, mẫu Đơn đăng ký khoản vay nước ngoài (Phụ lục I – Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-NHNN), mục II- Thông tin về Bên cho vay hướng dẫng:

 “5.Trường hợp Khoản vay hợp vốn không có đại diện các bên cho vay, ghi rõ các thông tin tại Mục này đối với từng bên cho vay, ghi chú bên cho vay chiếm đa số. Trường hợp Khoản vay hợp vốn có Đại diện các bên cho vay: ghi các thông tin của bên Đại diện các bên cho vay”.

Có thể hiểu hướng dẫn trên là, nhà đầu tư được phép đăng ký của các khoản vay nước ngoài (cho tổng vốn vay nước ngoài ghi nhận tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/ Giấy chứng nhận đầu tư) nhận từ nhiều bên cho vay với NHNN.

3. Thời hạn vay của khoản vay nước ngoài không bị quy định pháp luật giới hạn mà do nhà đầu tư tự quyết định

Căn cứ thời hạn vay (do bên đi vay và bên cho vay tự thoả thuận), theo Điều 9 Thông tư 03/2016/TT-NHNN và Điều 2 Thông tư 12/2014/TT-NHNN, các khoản vay nước ngoài được chia thành:

  • Khoản vay ngắn hạn nước ngoài (có thời hạn vay đến 1 năm)
  • Khoản vay trung hạn, dài hạn nước ngoài (có thời hạn vay trên 1 năm);

Thời hạn vay được tính từ ngày dự kiến rút vốn (nhận tiền hay thông quan hàng hóa) đến ngày dự kiến trả nợ cuối cùng theo quy định tại Thỏa thuận vay.

Trong đó, các khoản vay thuộc đối tượng phải thực hiện đăng ký với Ngân hàng nhà nước bao gồm:

1. Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài.

2. Khoản vay ngắn hạn được gia hạn mà tổng thời hạn của Khoản vay là trên 01 (một) năm.

3. Khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn nhưng còn dư nợ gốc tại thời Điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên, trừ trường hợp Bên đi vay hoàn thành việc trả nợ Khoản vay trong thời gian 10 (mười) ngày kể từ thời Điểm tròn 01 (một) năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên.

Lưu ý: Các Khoản vay nước ngoài ngắn hạn quá hạn nhưng Bên đi vay đã thu xếp thanh toán nợ trong vòng 10 ngày kể từ ngày tròn 1 năm của Khoản vay (do đó không phải thực hiện đăng ký Khoản vay với NHNN) sẽ được báo cáo như một Khoản vay ngắn hạn.

4. Mẫu hợp đồng vay nước ngoài bằng tiếng anh (ngắn hạn hoặc dài hạn)

Cập nhật sau tại bài viết Một số vấn đề pháp lý về đăng ký khoản vay nước ngoài – Phần 2

Để được tư vấn chi tiết về vấn đề này, Quý khách hàng vui lòng liên hệ:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ MẶT TRỜI MỚI

      Địa chỉ: Số 10 ngõ 35/37 đường Nguyễn An Ninh, P. Tương Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội

      Điện thoại: 024 3864 2041

      Fax: 024 3662 8926

      Email: vn.newsun@gmail.com.

 

Chuyên viên pháp lý Trần Thị Thu Trang

Điện thoại: 098 251 1846